Các phương pháp phục hình răng mất phổ biến hiện nay gồm trồng răng implant, cầu răng sứ hay phục hình tháo lắp bằng hàm nhựa, hàm khung kim loại. Để đảm bảo hàm răng chắc khỏe, thẩm mỹ cao thì cấy ghép implant đang được lựa chọn phổ biến. Hiện nay, những trường hợp bệnh nhân bị mất răng, tiêu xương nghiêm trọng, ở những vị trí mà trước đây không phù hợp cấy implant, thì hiện nay cũng đã thực hiện được bằng các thủ thuật như ghép xương, ghép mô mềm.
Trong phẫu thuật implant, sự thành công của việc cấy ghép liên quan trực tiếp đến việc đánh giá và lập kế hoạch điều trị tốt, bác sĩ cần phải phân tích xem với tình trạng xương, mô lợi của bệnh nhân như thế thì cấy implant với kích thước bao nhiêu là phù hợp, vị trí và hướng đặt implant như thế nào? Khi đã có một kế hoạch đúng đắn rồi thì mới tiến hành cấy ghép implant, và việc đảm bảo khoan đúng vị trí, đúng hướng như kế hoạch ban đầu đề ra sẽ là 2 mục tiêu quan trọng nhất trên lâm sàng.
Trước đây, đôi khi vị trí, hướng đặt implant có thể sai do bác sĩ cắm theo phương pháp truyền thống và thiếu kinh nghiệm thì ngày nay với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, việc tiến hành phẫu thuật sử dụng máng hướng dẫn giúp cho cấy ghép implant trở nên nhẹ nhàng, an toàn và chính xác hơn rất nhiều.
Các bạn hình dung khi cấy implant bằng tay thì chiếc implant có thể bị xiêu vẹo, không đúng hướng trồng răng giả sau này, tuy nhiên nếu cấy có dùng máng thì máng đã được tính toán trước chỉ có 1 chiếc lỗ cho bác sĩ khoan thì chắc chắn vị trí implant sẽ đúng.
Những thắc mắc thường gặp liên quan tới máng hướng dẫn phẫu thuật
Máng hướng dẫn phẫu thuật implant là gì?
Máng hướng dẫn phẫu thuật là loại máng 3D trong suốt, thiết kế dựa theo phim chụp CT Conebeam và dấu hàm của từng bệnh nhân. Các thành phần của máng hướng dẫn phẫu thuật gồm có:
+ Nền máng: Chính là phần sẽ tựa lên răng, niêm mạc hoặc trên xương bệnh nhân, giúp định vị máng ổn định trong quá trình cấy ghép.
+ Ống hướng dẫn chính: Là nơi mà qua đó ta sẽ đưa các mũi khoan để tạo hình vị trí đặt implant, nó sẽ quyết định vị trí cũng như hướng đặt implant.
+ Chốt hoặc vít cố định máng: Ở những bệnh nhân mất răng nhiều, máng không có nhiều điểm tựa, không được ổn định thì ta sẽ sử dụng những cái vít cố định máng để nó không bị di chuyển trong quá trình cấy ghép.
Có thể thấy, cấu tạo máng hướng dẫn cũng không có gì quá phức tạp. Thực tế trước đây, người ta từng chế tạo máng hướng dẫn dựa trên những hàm giả tháo lắp của bệnh nhân hoặc đắp nhựa dựa trên mẫu hàm và phim chụp XQ, tuy nhiên nó mang sai số lớn nên dần dần đã được cải tiến phát triển, đến ngày nay, mọi quy trình, công đoạn từ việc chụp chiếu, lấy dấu cho đến thiết kế, in máng đều được thực hiện qua máy tính với các công cụ 3D có độ chính xác gần như tuyệt đối.